Trung Quốc quyết tâm theo đuổi tham vọng và lợi ích chiến lược ở Biển Đông, nên thách thức lớn nhất đối với Mỹ là tập hợp được sự ủng hộ của khu vực và triển khai các thiết bị quân sự để chống lại chủ nghĩa phiêu lưu của Bắc Kinh
Trung Quốc còn lâu mới trở thành một cường quốc có sức mạnh tổng hợp. Sự phát triển thần tốc liên tục trong nhiều năm qua đã tạo cho nước này cả lực hội nhập hướng tâm và lực phân mảnh ly tâm. Đầu năm nay, Bắc Kinh đã thực hiện thành công một chiêu bài chiến lược lớn chống lại Mỹ khi đã khôn ngoan thuyết phục được gần như các nền kinh tế có liên quan ở châu Á và phương Tây tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do nước này sáng lập, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Washington. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã phải chấp nhận "quả đắng" khi chứng kiến Bắc Kinh từng bước thách thức vị trí kiến tạo trật tự tài chính toàn cầu vốn xưa nay luôn nằm trong tay Washington. Hầu hết các nước, xuất phát từ quan điểm thực dụng trước túi tiền của Trung Quốc, đều thận trọng hoan nghênh sáng kiến AIIB khi đây được coi là phương thuốc thần kỳ - dù chưa đủ- cho việc đáp ứng các nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực. Nhưng bên cạnh việc thu hút các nước cùng tham gia AIIB, Trung Quốc cũng đang trở thành một quốc gia gây phân cực khi khuấy động các tranh chấp biển dai dẳng lâu nay ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 là cơ hội tốt để Mỹ và các đồng minh chuyển thế tấn công Trung Quốc về những hoạt động xây dựng ồ ạt và tăng cường hiện diện quân sự của nước này ở Biển Đông. Tuy nhiên, những quốc gia không liên quan trực tiếp tới các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, trong đó có Singapore với vai trò chủ nhà hội nghị, đã lưỡng lự bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tranh chấp biển. Với một vài dấu hiệu thỏa hiệp nhỏ và việc các giới chức quân sự Trung Quốc công khai ý đồ sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông nếu nhận thấy các mối đe dọa đi quá giới hạn, Mỹ và các đồng minh đang phải tính toán cách thức phản ứng phù hợp trước những hành động khiêu khích hơn nữa từ phía Trung Quốc.
Cuộc đấu giữa những người khổng lồ
Đối thoại Shangri-La rõ ràng đã trở thành một diễn đàn ngoại giao quốc tế đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, người đã có bài phát biểu rất được trông đợi sau chiến dịch kéo dài hàng tháng của Lầu Năm Góc lên án các hoạt động xây dựng của Bắc Kinh. Bằng việc triển khai các máy bay do thám (có đội ngũ phóng viên đi kèm) và các tàu chiến tới gần các thực thể xây dựng nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, Hải quân Mỹ đã công khai thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với những thực thể này. Hải quân Mỹ cũng trực tiếp lên án Trung Quốc về việc quân sự hóa các vùng biển tranh chấp, với những báo cáo về việc Bắc Kinh cho triển khai các dàn pháo cơ giới và hệ thống phòng thủ tới Biển Đông.
Rõ ràng, mối quan tâm lớn nhất của Lầu Năm Góc là tự do hàng hải cho các tàu thương mại và lực lượng Hải quân Mỹ, cũng như việc ngăn chặn Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông, động thái có thể đe dọa các đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực như Philippines. Vì thế cũng không khó đoán vì sao đoàn đại biểu quốc phòng của Trung Quốc đã cố gắng giải thích tại Đối thoại Shangri-La rằng các hoạt động của nước này ở Biển Đông là "chính đáng, hợp pháp và hợp lý". Trung Quốc phủ nhận toàn bộ và cho rằng không có bất kỳ vấn đề gì. Với lối hành xử như vậy, Trung Quốc không chỉ không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế như Bộ trưởng Carter đã chỉ ra, mà còn gây gổ với phần lớn các nước trong khu vực. Không một quốc gia nào, kể cả các đồng minh thân thiết với Trung Quốc, cố công khai biện minh hay bảo vệ các hành động của nước này ở Biển Đông.
Những quan ngại chung
Singapore có truyền thống duy trì an ninh và thịnh vượng của mình bằng cách áp dụng chiến lược cân bằng cực kỳ khôn ngoan giữa Bắc Kinh và Washington. Là một nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại và bị kẹp giữa các nước lớn cũng như các đối thủ lịch sử, Singapore đã dựa vào mối quan hệ cộng sinh Mỹ-Trung để đảm bảo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững và thịnh vượng trong khu vực.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, Singapore cũng cảm thấy báo động trước những hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc. Để đối phó với thực tế này, Singapore mở rộng quyền tiếp cận cho các tàu chiến Mỹ, cho phép Hạm đội tàu chiến bờ biển Mỹ (LCS) được neo đậu thường trực và kêu gọi Washington đưa ra cam kết chiến lược lớn hơn cho khu vực. Trong một bài phát biểu quan trọng, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cảnh báo về "vòng luẩn quẩn" ở Biển Đông và nhấn mạnh cách thức các tranh chấp nên được khẩn trương "quản lý và ngăn chặn".
Với việc Singapore sắp đảm nhiệm vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Thủ tướng Lý Hiển Long hối thúc hai bên hoàn tất "càng sớm càng tốt" Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và kêu gọi "tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)". Tuy nhiên, lâu nay Trung Quốc luôn dẫn "các quyền lịch sử" để phản đối việc áp dụng UNCLOS cho các vùng biển tranh chấp, đồng thời liên tục ngáng trở các cuộc đàm phán COC.
Trước những lo lắng ngày càng tăng của nhiều quốc gia Đông Nam Á, Bộ trưởng Carter đã tiết lộ sáng kiến quốc phòng trị giá 425 triệu USD nhằm tăng cường khả năng hàng hải và phòng vệ bờ biển cho các các đồng minh cũng như các đối tác chiến lược trong ASEAN. Những đồng minh khu vực chủ chốt của Mỹ như Úc cũng đã tái khẳng định quyết tâm tiếp tục tuần tra ở Biển Đông, trong khi Nhật Bản - nhờ đã sửa đổi nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng song phương với Mỹ - giờ đây đã có thể xem xét lựa chọn tham gia tuần tra chung trên không phận Biển Đông. Trong khí đó, trong Sách Trắng mới nhất của Trung Quốc, nước này đề cập đến việc "phòng vệ ở các vùng biển xa và bảo vệ các vùng biển mở". Chắc chắn, điều này sẽ mở ra một trận chiến khó khăn cho Mỹ trong tương lai gần.
Richard Javad Heydarian
* Tác giả Richard Javad Heydarian là Phó Giáo sư về Khoa học Chính trị, Đại học De La Salle. Bài viết đăng trên trang "CSIS”.
* Tác giả Richard Javad Heydarian là Phó Giáo sư về Khoa học Chính trị, Đại học De La Salle. Bài viết đăng trên trang "CSIS”.
Hương Trà (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Categories: Biển Đông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét