Năm 2002, trong đoàn khách tham quan Hoa Kỳ, chúng tôi được đưa đến gặp Bob Kerrey tại văn phòng của ông. Lúc ấy tôi chỉ biết ông từng tham chiến tại Việt Nam, là Thượng nghị sỹ, nhà giáo dục, ứng cử viên chức tổng thống Hoa Kỳ. Ngoài ra tôi không biết gì khác về Bob. Vì thế tôi cứ lấy làm lạ khi nhận ra có nét gì đó giống như sự mặc cảm của ông khi đối diện với đám nhà văn nhà báo “lau nhau” chúng tôi. Rất khó diễn đạt ánh mắt của ông. Khi chúng tôi tặng ông mấy miếng thêu, nói là sản phẩm làm bằng tay của nông dân Việt Nam, thì ông bất ngờ lúng túng, cứ hỏi đi hỏi lại là nó được nông dân làm bằng tay, họ sống ở vùng nào, cứ như chúng tôi nói dối ông.
Thực ra, đấy là cách ông che giấu sự bối rối. Một người từng là ứng cử viên chức tổng thống Mỹ, sao lại có tâm trạng lạ như vậy, trước những kẻ vô danh tiểu tốt là chúng tôi?
Thực ra, đấy là cách ông che giấu sự bối rối. Một người từng là ứng cử viên chức tổng thống Mỹ, sao lại có tâm trạng lạ như vậy, trước những kẻ vô danh tiểu tốt là chúng tôi?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh |
Giờ thì Bob là ai, mọi người đều đã rõ. Vì sao có cuộc tranh cãi ầm ỹ về chức vụ hiện nay của ông tại Đại học Fulbright Việt Nam, cũng chẳng cần phải giải thích thêm. Trong bài viết này, thể hiện sự quan tâm đến “vụ việc” Bob Kerrey, tôi chỉ xin nói đôi điều suy nghĩ của mình về bức thư ngỏ của bà Tôn Nữ Thị Ninh và bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Hai bài này hoàn toàn độc lập, không phải hai tác giả này tranh luận với nhau), cùng đăng trên VietNamNet, một cách ngắn gọn nhất có thể.
Tôi phải nói ngay là tôi thuộc số người ủng hộ ông Thiều, cũng tức là không cùng quan điểm với bà Ninh.
Nhưng ở đây tôi sẽ không bàn đến chuyện ai đúng ai sai. Tôi chỉ muốn nói về cách mà các nhà trí thức đưa ra quan điểm của mình.
Tôi rất không thích cách của bà Tôn Nữ Thị Ninh. Ngay từ tên của bức thư, dường như bà đã ngầm xác định (hoặc nó khiến độc giả sẽ nghĩ như vậy) bà đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Không ai đủ tư cách làm điều đó khi ở vào vị thế chỉ được phép trình bày quan điểm cá nhân của mình. Có thể đây là thói quen nghề nghiệp cũ của bà chăng?
Tôi cũng không thích cách bà vạch vòi về nguồn gốc số tiền 20 triệu USD dùng cho dự án Đại học Fulbright Việt Nam. Mục đích của việc này chỉ nhằm chứng minh Bob Kerrey không có công lao gì trong việc huy động số tiền ấy. Có thể sự thật là như vậy nhưng động cơ của bà là gì? Nếu định nói cho rõ một chuyện, thì những giải thích của bà lại quá rối rắm khiến bạn đọc chẳng hiểu điều gì ẩn khuất trong số tiền ấy. Tôi tin là nhiều người cũng không hiểu rõ giống như tôi. Nhưng cứ cho là tôi chậm hiểu, thì vẫn còn một câu hỏi: Vậy ai (nếu thực sự Bob không có vai trò) đã tác động để số tiền đó (chắc chắn là của Mỹ, dù dưới bất cứ hình thức nào) bò về Fulbright Việt Nam?
Tôi tôn trọng quan điểm cá nhân của tác giả trong bức thư ngỏ, nhưng dứt khoát nó không phải là quan điểm của đa số người Việt như cách thức được trình bày. Ngữ điệu của bức thư như là một lời lên án chính trị nhằm vào ai đó không nghĩ giống mình, hơn là “mỗi người hãy nói hết ra điều mình nghĩ” - như đề nghị của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Tôi phải nói thật tâm trạng của mình là tôi rất thất vọng về thái độ này.
Sự hằn học, đố kị, ngạo mạn, hiếu thắng không bao giờ là văn hóa trao đổi. Vì thế tôi đánh giá cao bài trả lời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ông nhà thơ này chỉ tha thiết đề nghị mọi người lắng nghe ông, rồi tự mỗi người sẽ đưa ra quyết định chứ ông không hề áp đặt bất cứ quan điểm nào.
Trong số hơn một trăm phản hồi về bức thư ngỏ, có người tỏ ý nghi ngờ bà Ninh từng thất bại trong một dự án giáo dục, giờ không muốn thấy người khác thành công. Tôi cố gắng để không tin vào điều này. Nhưng tôi cứ không cưỡng được ý nghĩ, hình như tác giả ác cảm với Bob Kerrey không phải vì lý do ông ấy từng tham chiến tại Việt Nam. Bà Ninh thừa hiểu rằng, trong chiến tranh, kẻ tội phạm đáng nguyền rủa nhất không phải là người lính trên chiến trường. Nhưng tôi không bình luận về thái độ ấy của bà.
Cuối cùng, liệu có cần phải trình diễn quan điểm chính trị một cách đao to búa lớn thì mới chứng tỏ được mình đang có trách nhiệm với đất nước? Tôi tuyệt đối nghi ngờ sự chân thành, vô tư của những người làm như vậy. Một người cả đời không nói lời nào về thái độ chính trị, không quảng bá tình yêu nước của mình, có thể lại là người yêu nước sâu sắc nhất.
Tiện thể tôi muốn nói thêm vài suy nghĩ cá nhân về vấn đề Bob Kerrey. Qua hai bài viết, của hai nhân vật nổi tiếng mà tôi đều ngưỡng mộ về sự hiểu biết cũng như uy tín xã hội, liên quan đến Bob, thấy rõ là chúng ta còn rất lâu nữa mới không bị chia rẽ bởi quá khứ. Đó cũng là chuyện có thể hiểu được và chẳng ai đáng bị phê phán khi theo hoặc không theo quan điểm của người này, người kia. Vì thế, tôi muốn đưa ra một đề xuất: Hãy để chính tương lai lựa chọn những gì nó thấy tốt nhất cho nó. Ý tôi là, trong câu chuyện chưa có hồi kết này, hãy hỏi những người đang hoặc sắp thành sinh viên, xem ý kiến của họ thế nào? Họ đủ trường thành để trả lời một cách đúng đắn và chịu trách nhiệm về hiểu biết lịch sử của họ. Tôi nảy ra suy nghĩ này sau khi đọc hơn một trăm phản hồi về bài của bà Tôn Nữ Thị Ninh trên VietNamNet. Căn cứ vào cách xưng hô, tôi nhận ra quá nửa trong số các phản hồi là của những người trẻ. Họ chín chắn, hiểu rõ vấn đề và thể hiện văn hóa trao đổi cao một cách đáng kinh ngạc. Chính từ sự nhận biết đó và căn cứ vào quá nửa số phản hồi, càng khiến tôi tin rằng, học vấn, kinh nghiệm sống và sự sáng suốt không phải lúc nào và với ai cũng đồng hành cùng nhau.
Về phần mình, tôi nghĩ thế này: Một đất nước mà để quá khứ quyết định mọi chuyện, là một đất nước đi giật lùi.
Tạ Duy Anh
Tác giả gửi BVN.
(Bauxite)
Categories: Bình Luận - Quan Điểm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét