Blogger Trương Duy Nhất trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh niên VOA.
Thảm họa cá chết đang khơi dậy những tranh cãi về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam trong cuộc chiến không cân sức giữa người dân dùng mạng truyền thông xã hội để chia sẻ thông tin, thể hiện quan điểm với các quyền lực ngăn chặn, kiểm soát thông tin từ nhà nước.
Tâm điểm gây chú ý gần đây nhất là chương trình 60 phút mở trên VTV qua đó một MC nổi tiếng đã bị đưa lên ‘hỏi tội’ trước khán giả cả nước về ‘động cơ’ chia sẻ tin cá chết trên Facebook cá nhân.
Chia sẻ thông tin trên mạng xã hội để làm gì, nên chia sẻ những gì, chia sẻ thế nào cho hiệu quả, góp phần thay đổi xã hội mà không bị coi là lợi dụng tự do dân chủ xuyên tạc nhà nước hay bôi nhọ lãnh đạo? Mạng xã hội góp phần thế nào trong công cuộc dân chủ hóa truyền thông và mở rộng quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam?
Đó là nội dung cuộc trao đổi trên Tạp chí Thanh niên hôm nay với người từng lãnh án 2 năm tù vì chia sẻ trên mạng xã hội những bài viết bị cho là nói xấu chế độ: blogger Trương Duy Nhất, chủ nhân trang blog ‘Một Góc Nhìn Khác’, từng làm việc cho báo Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và báo Đại Đoàn kết của nhà nước. Anh được tổ chức Phóng viên Không biên giới vinh danh 1 trong 100 ‘Anh hùng thông tin của thế giới 2014’ và hiện là một ký giả độc lập, một Facebooker thường xuyên chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Cuộc trò chuyện được thực hiện nhân dịp anh ghé thăm trụ sở đài VOA trong tháng này.
Trương Duy Nhất: Cái vấn đề VTV đặt ra ‘Chia sẻ để làm gì?’, tôi nghe không ổn vì bản chất truyền thông mạng, cụ thể trong việc này là Facebook, chính là chia sẻ. Người ta chia sẻ gì đó là quyền của mỗi người. Mỗi cách chia sẻ là một thái độ. Đó là quyền thông tin của người ta, tự do ngôn luận là thế mà. Chia sẻ những quan điểm thường nhật của cá nhân trước vấn đề thời sự của đất nước, xã hội mà bị đem ra chê trách, truy xét, cưỡng bức là không đúng. Xã hội bây giờ là thông tin mở, anh muốn bưng bít cũng không được. Quyền được biết và được lên tiếng thì người ta lên tiếng chứ.
Trà Mi: Nhưng về vấn đề chia sẻ thế nào cho có trách nhiệm, tránh đồn thổi tin vịt tác động xấu cho xã hội, phản hồi của anh thế nào?
Trương Duy Nhất: Nói thế hóa ra anh xem thường bạn đọc sao? Thời buổi bây giờ thông tin tràn trên mạng, anh đọc gì, cân nhắc điều gì, thái độ tiếp thu thông tin ra sao, nhìn nhận đúng sai thế nào đó là quyền và trí tuệ mỗi người. Giai đoạn thông tin ngồn ngộn bây giờ, cấm không được, hơn nữa không phải người ta đọc gì cũng tin, người ta biết phân tích, tiếp nhận chứ.
Trà Mi: Liên quan đến bùng nổ thông tin, vụ cá chết được xem là một trắc nghiệm đối với người Việt khao khát tự do thông tin và cũng là một thách thức đối với nhà cầm quyền. Ghi nhận và bình luận của anh thế nào?
Trương Duy Nhất: Truyền thông chính thống đưa tin rất định hướng, có những thông tin không thật, không đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân trước vấn đề nguy hiểm như thế cho nên người ta phải tìm tới thông tin trên mạng. Mà thông tin mạng đã đáp ứng được. Trong vụ này, thông tin mạng đã chiến thắng. Có những Facebooker họ đi về tận thực địa, làm những video clip, phỏng vấn người dân. Truyền thông mạng, cụ thể là Facebook, gần như thay thế chức phận và chiếm hết cả quyền năng của báo chí, tạo ra cách truyền thông mới tương tác thật nhiều với bạn đọc.
Trà Mi: Chiến tích ghi nhận được từ truyền thông xã hội đó đã đạt được kết quả mong muốn hay chưa?
Trương Duy Nhất: Tất nhiên mong muốn còn lớn lắm, nhưng không thể đòi hỏi ngay được. Như thế đã là một sự thay đổi.
Trà Mi: Làm thế nào để thúc đẩy tiến trình đó nhanh hơn, tiến tới hiệu quả mong đợi?
Trương Duy Nhất: Điều đó tính tới tiến trình dân chủ của thể chế. Trong mọi việc cần thay đổi, việc căn cơ đầu tiên cần thay đổi nhất là quyền tự do thông tin , tự do ngôn luận. Anh phải tìm cách học Facebook, học truyền thông mạng và cộng tác với nó và chia sẻ thông tin chứ không phải thấy thông tin trên mạng thì quay lại đấu tố hay chặt chém nó. Anh phải chia sẻ với nó , đó mới là cách truyền thông, cách làm báo trong xu thế này. Chia sẻ thông tin và quan điểm trên mạng là cất lên tiếng nói của mỗi người. Chia sẻ chính là thái độ, là tiếng nói.
Blogger Trương Duy Nhất trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi.
Trà Mi: Ở Việt Nam, người ta luôn lo sợ ‘Viết gì, viết thế nào, lên tiếng sao cho hiệu quả mà không bị hậu quả.’ Làm sao để không bị coi là ‘lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’, ‘xuyên tạc bôi nhọ lãnh đạo’ như bản ản anh từng lãnh?
Trương Duy Nhất: Trong giới trí thức, giới trẻ, những người chọn cách tự lấy băng keo bịt miệng mình hiện giờ không còn nhiều lắm đâu. Người ta biết mở băng keo ra để nói, để chia sẻ rồi. Chia sẻ thế nào để tránh hậu quả xấu xảy ra với mình như trường hợp của tôi, thật ra đó cũng là một nỗi sợ bởi vì sự quy chụp là có thật, sự đàn áp là có thật. Nhưng dần dà trong xu thế này, anh ra sân chơi hội nhập buộc anh cũng phải theo những quy chuẩn chung, những giá trị phổ quát. Cho nên, chính thể cũng phải chấp nhận dần dần những giá trị đó thôi. Còn về người viết, tất nhiên sợ thì sợ nhưng cũng không đến nỗi như 5, 7 năm về trước. Trấn áp, bắt bớ này nọ nhưng cũng không ngăn cản được. Một, hai người còn cản được chứ giờ đã là những luồng sóng rồi, không thể cản được.
Trà Mi: Người cầm bút có cách nào để tự vệ, tránh những sự quy chụp?
Trương Duy Nhất: Điều chị nói, những người như tôi phải suy nghĩ bởi vì chả ai muốn vào tù cả. Trước một vấn đề, mình chọn thái độ viết thế nào để người ta lắng nghe được. Ví dụ mình muốn họ bước 10 bước ra đến cửa, nhưng nói thế họ không nghe, thì mình nói sao để họ nhích một bước ra trước mũi giày mình tí thôi đã là mừng rồi. Mười lần như thế thì nó ra đến cửa. Tuy nhiên, cũng phải nhìn lại thực tế, chẳng hạn viết một cách ôn hòa như tôi, đóng góp phản biện phê bình một cách cực kỳ tích cực như thế mà họ cũng bắt vào tù kia mà. Đó là điều khiến mình phải suy nghĩ. Trước khi viết phải cân nhắc đến tính bức bách của vấn đề. Có ai muốn bị bắt bớ, nhưng trước những sự việc nhiều khi bức bối quá, mình cũng buộc phải lên tiếng, buộc phải nhào vào thôi, tránh không được. Ý thức người cầm bút là như thế.
Trà Mi: Nói tới sự cân nhắc của người cầm bút, anh từng tuyên bố ‘Với chức phận là một nhà báo, một trí thức cầm bút, tôi không chọn cách tự bịt miệng mình.’ Tự bịt miệng mình và bị khống chế bịt miệng – đối với người cầm bút, cách nào hơn? Anh cân nhắc lợi-hại giữa hai sự lựa chọn này thế nào?
Trương Duy Nhất: Nếu anh còn tự trọng, còn liêm sỉ, còn quan tâm đến thế cuộc thì anh không nên tự bịt miệng mình. Khi người ta bịt miệng anh, anh phải tìm cách bóc ra. Sau bản án 2 năm tù, tôi vẫn viết lại, đâu phải vì thế mà bịt miệng được tôi. Lên tiếng tất nhiên sẽ đến lúc người ta bịt miệng mình thì mình đành chịu thôi, chứ biết làm sao giờ? Nếu để yên phận thì nên tự bịt miệng, mà vậy thì đừng nói đến ‘cây bút’ là gì.
Trà Mi: Trong khi mình bình luận về quyền tự do ngôn luận ở đây thì một người bạn đồng chí hướng với anh, Trần Huỳnh Duy Thức, đang phải trả giá vì đã không chịu ‘tự bịt miệng.’ Giữa sức mạnh của truyền thông xã hội và sự kiểm duyệt, ‘bịt miệng’, ai thắng ai thua?
Trương Duy Nhất: Thắng thua như thế này thì cũng vô cùng. Nói chính quyền thắng cũng đúng vì họ bắt giam được, tù đày được, kết án được thì rõ ràng họ thắng. Nhưng nhìn theo nghĩa nó đã thay chuyển được ý thức trong xã hội, tạo lên được làn sóng người ta can dự, quan tâm đến vấn đề chính sự nhiều hơn thì đó lại là thắng lợi. Nếu chọn cách tự bịt miệng để tránh hậu quả thì làm sao tạo nên được sự thay đổi? Cho nên, những nhân vật như anh Trần Huỳnh Duy Thức là những nhóm lửa tiên phong, từ đó mới khích lệ, tạo ra những làn sóng. Chứ còn ai cũng chọn cách an phận thì sẽ không tác động ra một sự thay đổi nào cả. Bí bách.
Trà Mi: Từ vụ cá chết tới nay, truyền thông xã hội ồ ạt chỉ trích cách phản ứng của nhà cầm quyền. Anh có bình luận ra sao?
Trương Duy Nhất: Đang lúc cá chết, chưa biết cá chết vì đâu mà lại đi ứng xử kiểu ngồi chồm hổm ăn để khuyến khích dân ăn, lại đi cởi áo tuột quần lao ra biển tắm. Đó là những việc làm ngu quá mức cẩn thiết. Phản ứng của cộng đồng mạng đúng là rất nhiều, ngăn không được thì chính quyền trấn áp, bôi nhọ.
Trà Mi: Cách hành xử của chính quyền được lý giải nhằm bảo đảm trật tự trị an xã hội vì e sự bức bối trong dư luận qua mạng truyền thông xã hội sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường ví như Cách mạng Hoa lài hay Mùa xuân Ả Rập. Có thể chính quyền Việt Nam lo sợ ‘cuộc cách mạng cá’ gây bất ổn, anh nghĩ sao?
Trương Duy Nhất: Tôi không nghĩ quá như thế. Chính quyền chắc có nỗi lo, nhưng theo tôi, ‘cách mạng cá’ chắc không xảy ra tại Việt Nam. Để tạo ra luồng sóng cỡ Cách mạng Hoa lài thì tôi nghĩ hãy còn lâu. Người ta vin cớ ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội để bắt bớ, để đàn áp. Chính lực lượng của chính quyền gây mất an ninh trật tự. Thay vào đó, anh nên hướng dẫn cho người tuần hành thể hiện quan điểm một cách ôn hòa. Những cuộc biểu tình vừa qua sẽ không đến mức căng thẳng như thế nếu sự can thiệp không thô bạo. Họ trấn áp toàn bộ, ngăn cản toàn bộ, hạn chế quyền biểu tình của công dân.
Trà Mi: Là một blogger có ‘góc nhìn khác’ từ Việt Nam, nay đang đặt chân tới một quốc gia tự do dân chủ, anh sẽ chia sẻ điều gì để cộng đồng quốc tế quan tâm đến quyền tự do ngôn luận và sự phát triển của truyền thông xã hội tại Việt Nam?
Trương Duy Nhất: Tôi rất mong mỏi những tiếng nói, những bài viết độc lập như của chúng tôi được chia sẻ. Tôi mong những quan điểm, những chia sẻ của chúng tôi trước các vấn nạn của đất nước được các đồng nghiệp trên quốc tế, như các anh chị ở VOA chẳng hạn, cùng chia sẻ để nhân tiếng nói, nhân ảnh hưởng lên, tác động đến bên ngoài để thế giới, để nhiều người nghe hơn. Từ đó, nó thức tỉnh hơn, tạo một ngoại lực tác động thêm vào bên trong thì đó là điều cực kỳ tốt. Mọi cuộc cách mạng, kể cả cách mạng truyền thông, cũng cần có sự tác động từ bên ngoài vào. Tôi muốn có sự tác động từ bên ngoài để giúp báo chí độc lập, truyền thông mạng trong nước và cho công cuộc dân chủ hóa truyền thông.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn anh vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.
Trà Mi
(VOA)
Categories: Nhân Quyền-Dân Chủ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét