Đa phần trẻ em Việt Nam từ nhỏ đã không được dạy về tình yêu thương động vật. Hình minh họa.
Đã 2560 năm kể từ khi Đức Phật nhập diệt. Suốt khoảng thời gian dài ấy, tưởng chừng ánh sáng văn minh của thế kỷ 21 đã chiếu rọi đến từng ngõ, đạo đức làm người được phổ cập đến từng ngách. Thế nhưng ở thời đại quái quỷ này, thanh niên Việt Nam ra đường hễ nhìn ai không vừa mắt là có thể lao vào chém giết, sẵn sàng bỏ mặc đồng loại đang thoi thóp trên đường, rặt một lối “sống chết mặc bay”. Quan chức nhà nước – thứ mà trong xã hội phong kiến được gán cái danh đầy trách nhiệm “quan phụ mẫu” thì lại làm việc vì tư lợi là chính. Đối với họ, những lý tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” thật là quá sức viển vông. Trong xã hội, con người giẫm đạp nhau, làm giàu trên xương máu đồng loại. Còn tôn giáo thì biến thành một thứ thần quyền, rặt một kiểu “xin cho”, chẳng khác chi một cái chợ. Xin mượn hai từ của cố nhà văn Nhật Tuấn để mô tả thời kỳ chúng ta đang sống: “đồ đểu”.
Nhiều đêm suy ngẫm về những việc ấy, tôi biết rốt cuộc tất cả cũng chỉ xoay quanh nhân quả. Bởi người Việt chúng ta đã gieo cái nhân méo mó, nên cũng chính người Việt phải nhận lại cái quả chẳng được ngọt lành ấy. Xin hãy đọc những dòng suy ngẫm của tôi để cùng nhau hiểu hơn về dân tộc chúng ta, mà chúng ta luôn tự hào là có “bốn ngàn năm văn hiến”.
Hậu quả của quan niệm sai lệch
Đa phần trẻ em Việt Nam từ nhỏ đã không được dạy về tình yêu thương động vật. Tôi có một đứa cháu gái gần 3 tuổi, mỗi khi thấy một loại động vật nào được mang về nhà là cháu lại hay hỏi “có ăn được không?”, bởi hàng ngày cháu thường được cha cháu nói “Để cha làm thịt nó cho con ăn nghen”. Hoặc khi cháu gặp chó mèo thì tự động cháu lại đấm đá xua đuổi, thay vì yêu thương nựng nịu. Sở dĩ cháu phản xạ như vậy là do cha mẹ cháu đã dạy cháu như vậy ở ngay lứa tuổi dễ uốn nắn nhất. Điều đó vô tình ảnh hưởng đến tính cách của cháu sau này. Hôm nọ, tôi có mua hai con cu gáy về nuôi thì đứa cháu gái lẽo đẽo theo sau, hỏi rằng “Con cu này làm gì vậy cậu? Sao cậu không làm thịt cho cháu ăn?” Tôi phải kiên trì giải thích với cháu rằng “Cậu không làm thịt mà cậu nuôi nó”. Nhưng dường như cháu không hiểu nổi tại sao phải nuôi nó, mà cứ lẩn quẩn hỏi về việc làm thịt nó. Đó chính là một cách dạy sai lầm của người lớn, khi tự động định hình tính hiếu sát mà không dạy việc phải biết yêu thương, bảo vệ động vật cho trẻ nhỏ.
Người Việt trong chừng hơn chục năm trở lại đây lạ lắm, hễ thứ thứ gì động đậy được là họ đều có thể…cho vào miệng hết. Và người ta khuyến khích lẫn nhau chuyện đó. Người Việt có câu cửa miệng “Không bổ ngang thì bổ dọc”, nghĩa là tất cả mọi thứ động vật nếu không bổ kiểu này thì sẽ bổ kiểu kia, và nếu không ăn được thì họ cũng…ngâm rượu để uống. Nhắc đến chuyện ngâm rượu, tôi lại nhớ chuyện ông chú họ tôi từ mấy năm trước. Khi nghe người ta đánh chết một con rắn cạp nong ngoài ruộng, ông liền phóng xe máy ra ngay để lấy về ngâm rượu. Hũ rượu được ngâm cấp kỳ ấy đã trở thành một chầu nhậu hoành tráng của chú và bạn hữu. Và hậu quả và tất cả phải được đưa ra trạm y tế xã để chích thuốc giải độc vì ngộ độc thực phẩm.
Cũng chính cái tư tưởng “không bổ ngang thì bổ dọc” ấy đã khiến không ít du khách nước ngoài ngán ngẩm nhìn người Việt ta như bọn man di mọi rợ.
Gieo nhân nào gặt quả nấy
Trong quá trình hình thành dải đất hình chữ S của nước Việt hiện đại, mà sử sách Việt Nam thường gọi một cách nhẹ nhàng là “tiến trình mở cõi”. Trên thực tế việc mở cõi ấy đã nhuộm không biết bao nhiêu xương máu của người Chiêm Thành, giống dân bản địa ở một dải tương ứng địa giới từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay. Chiến thuật của các vương triều Việt là tàm thực, tức là lấn dần theo kiểu tằm ăn lá dâu, rồi dùng vũ lực chiếm đất khi đủ điều kiện. Về việc gả công chúa Huyền Trần cho vua Chế Mân, sử thần Ngô Sĩ Liên đã chê trách trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:
“Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước Hung Nô nhiều lần làm khổ biên cương, mới lấy con gái nhà dân làm công chúa gả cho thiền vu. Kết hôn với người không cùng giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách, song dụng ý là muốn binh yên, dân nghỉ, thì còn có thể nói được. Nguyên Đế thì vì Hô Hàn sang chầu, xin làm rể nhà Hán, nên lấy nàng Vương Tường mà ban cho, cũng là có cớ. Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu”
Trong một dịp trà dư tửu hậu với một người bạn từ Pleiku xuống, anh bạn nói rằng “Chính quyền ưu tiên quyền lợi cho đồng bào thiểu số quá nhiều”. Tôi cười và nói với anh rằng “Chính người Kinh chúng ta bao đời nay đã cướp đoạt, lấn chiếm, ép họ bán rẻ đất đai. Giờ này cả một vùng Tây Nguyên, các sắc dân bản địa ấy đã trở thành thiểu số trước người Kinh chúng ta. Việc đồng bào thiểu số được nhận vài đồng trợ cấp hàng tháng chẳng có là gì so với những gì họ đã mất cả.” Tôi lại nghĩ đến nước Mỹ, ở đó họ có nhiều chính sách ưu đãi cho người da đỏ bản địa. Bởi trong thâm tâm người Mỹ luôn tâm niệm rằng người da đỏ vốn là chủ của mảnh đất hiện tại. Và những ưu ái hiện nay chính là để bù đắp những gì mà tổ tiên người da đỏ đã bị lấy mất. Chính sách ấy nếu được thực thi ở vùng các đồng bào thiểu số, theo tôi sẽ góp phần xóa bỏ thù hận sắc tộc đang ngày càng lên cao ở các khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc.
Anh bạn còn phàn nàn với tôi rằng “người đồng bào nay không còn chân thật như ngày xưa nữa”. Tôi bảo với anh rằng “Họ học người Kinh chúng ta đấy”. Tôi nhớ chừng hơn 10 năm trước lúc tôi còn lang bạt lên vùng đồng bào Chăm Hroi ở miền tây tỉnh Phú Yên và cao nguyên M'Đrăk thì đồng bào ở đây còn chân thật lắm. Thế nhưng càng ngày họ càng giống người Kinh đến…kinh dị. Bao nhiêu dối trá, lừa lọc, ngụy biện…, bao nhiêu tính xấu của người Kinh, bây giờ họ đều có cả. Và dĩ nhiên, đó cũng cách cách thức họ tồn tại trước những người Kinh đầy man trá kia.
Người Việt Nam cứ bảo người Tàu là xấu ác, quỷ quyệt, thế nhưng tôi thấy chính chúng ta cũng xấu và ác chẳng kém người Tàu. Ôi, cái thời đại quái quỷ gì đã khiến dân tộc tôi trở nên xấu ác, bạc nhược, hèn hạ đến thế này!
Sửa đổi bản thân là chìa khóa để tiến bộ
Lật lại huyền sử Việt, thì người Việt luôn tự nhận mình là dòng dõi từ phương Bắc, tức là Đế Minh, mà Đế Minh chính là cháu ba đời của Thần Nông - một trong những tổ tiên của người Hán. Như vậy thì người Việt và người Hán có chung gốc gác. Thế nhưng trong tư tưởng của người Hán thì người Việt cũng như các dân tộc phương Nam đều là con cháu của Xi Vưu, là loài “man di mọi rợ”. Trong khi đó thì người Miêu tự hào nhận mình là con cháu của Xi Vưu, chẳng thèm tranh luận bên nào mới chính là con cháu Thần Nông.
Trong quá trình di cư về phương Nam, người Việt cũng như các sắc dân nhỏ ở miền Hoa Nam đã chịu nhiều sức ép từ người Hán. Nước Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay không thể phủ nhận là một sự thần kỳ của lịch sử. Nước Việt Nam hiện đại đã không còn đồng văn, đồng chủng với người Hán như xưa nữa. Thế nhưng, nguy cơ Bắc thuộc một lần nữa lại nguy cấp hơn bao giờ hết. Nước Tàu hiện đại đã thực hiện thế trận bao vây cả trên đất liền lẫn trên biển, nền kinh tế Việt Nam bị thương lái Tàu lũng đoạn, phá nát. Nhiều doanh nghiệp Tàu làm ăn gian dối trên nước Việt, hủy hoại môi trường sống, bất chấp pháp luật Việt Nam, để lại một hiểm họa vô cùng đen tối trước mắt.
Chúng ta muốn độc lập, tự chủ, muốn thoát khỏi bóng dáng khổng lồ từ phương Bắc thì chính trước hết chúng ta phải hoàn thiện chính mình, mà quan trọng nhất là vấn đề đạo đức, nhân phẩm. Chúng ta căm ghét họ nhưng cũng xấu ác như họ thì có khác nào một giuộc như nhau.
Sửa chữa lại bản thân và giáo dục con cháu đi đúng phương hướng văn minh, trí thức là điều mà tôi tin người Việt ta có thể làm được!
Thiện Ngộ
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)
Categories: Giáo Dục
0 nhận xét:
Đăng nhận xét